Tháo gỡ thắc mắc về việc giảm thuế VAT | Tin tức | Đại lý thuế THTax

Tháo gỡ thắc mắc về việc giảm thuế VAT | Tin tức | Đại lý thuế THTax

ĐỂ VIỆC GIẢM THUẾ VAT KHÔNG PHỨC TẠP

Ngày đăng: 10/05/2022

Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định 15/2022 nhận được sự đồng tình rất cao từ cộng đồng doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực thi có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.


KHÔNG ÍT THẮC MẮC

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT giúp cho doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, quá trình thực thi ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Huệ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đi mua hàng giờ chị cũng không biết được số hàng mình mua cái gì được giảm, cái gì không được giảm.

Bởi dù mua hàng hóa ở nơi có hóa đơn chứng từ nhưng giá chỉ ghi chung chung “đã bao gồm thuế VAT”. Khi chị hỏi thì nhân viên siêu thị trả lời rằng đó là tính tự động trên hệ thống, mặt hàng quá nhiều nên cũng không biết thuế mỗi mặt hàng là bao nhiêu.

Đối với một số đơn vị bán lẻ có hàng ngàn sản phẩm với nhiều mức thuế suất khác nhau khiến cho việc thực hiện ban đầu gặp nhiều khó khăn, kế toán mất nhiều thời gian ở khâu tách hóa đơn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nhung, trưởng bộ phận thu ngân siêu thị VinMart (khu đô thị Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội), khi Nghị định 15 về giảm thuế VAT có hiệu lực, ban đầu cũng gặp khó khăn do việc giảm thuế chỉ áp dụng với một số mặt hàng chứ không đồng loạt, sau một thời gian triển khai, đến nay 100% sản phẩm trong danh mục đươc giảm thuế suất đã được doanh nghiệp cập nhật và thực hiện. 

Còn nhân viên tại một cơ sở sửa chữa xe máy tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, việc thực hiện giảm thuế VAT cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Có khi khách làm 2 dịch vụ, 1 dịch vụ được giảm thuế, một dịch vụ không được giảm thuế VAT thì doanh nghiệp phải lập hóa đơn VAT riêng, rất phức tạpmất thêm thời gian

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách giảm thuế không đồng nhất khiến doanh nghiệp mua sợi tại một số địa phương chỉ chịu thuế suất 8%, trong khi tại một số địa phương khác lại chịu thuế suất 10%. 

 

 

ĐỀ XUẤT THÁO GỠ THẮC MẮC

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và tư vấn thuế Trọng Tín, việc giảm thuế VAT cho cán cân cung - cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, từ đó thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức giá khi không giảm thuế. Điều này cũng góp phần vào giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bước đầu việc xác định ngành nghề được hưởng ưu đãi cũng là vấn đề với các doanh nghiệp. Cùng với đó, theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính, mẫu hóa đơn chỉ có một mức thuế suất nên nếu doanh nghiệp bán 2 mặt hàng2 mức thuế suất khác nhau thì phát sinh thêm hóa đơn, như vậy phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do sự diễn giải của doanh nghiệp là khác nhau nên cùng một mặt hàng thì có doanh nghiệp áp dụng mức thuế 8%, có doanh nghiệp áp dụng 10% gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Do đó, cần có thay đổi linh hoạt trong quy định để quá trình giảm thuế VAT dễ thực thi hơn. 

Còn ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong quá trình thực hiện giảm thuế VAT từ 10% về 8% theo Nghị định 15/2022, nhiều doanh nghiệp cho biết phát sinh vướng mắc.

Trước đây thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì đều có VAT 10%, nhưng bây giờ doanh nghiệp phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành đó có được giảm thuế hay không.

Chưa kể, có những nguyên liệu đầu vào được doanh nghiệp nhập khẩu không nằm trong đối tượng giảm thuế VAT 10%, nhưng sản phẩm chế biến ra lại được giảm thuế còn 8%. Hay như cùng ngành nghề, nhưng lại thuộc đối tượng khác nhau dẫn đến việc giảm thuế cũng khác nhau khiến doanh nghiệp không biết áp dụng sao cho đúng

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2022. Quy định mới tại dự thảo lần này cho phép doanh nghiệp xuất một hóa đơn áp dụng các mức thuế khác nhau, nhưng cần ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn, thay vì phải tách riêng hàng hóa, dịch vụ giảm VAT. 

Trường hợp hoá đơn được xuất từ ngày 1/2/2022 đến khi nghị định có hiệu lực, Bộ Tài chính đề xuất cho doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn. 

Theo ông Mạc Quốc Anh, chính sách giảm thuế VAT chỉ trong năm 2022, tức là còn vài tháng nữa, nên Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành hướng dẫn cũng như nghị định sửa đổi. Nguyên tắc hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi. 

Để thực hiện chính sách đảm bảo thông suốt cần tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện thông qua các đại lý thuế, các chi cục thuế địa phương, đặc biệt đối với các bộ phận kế toán công nợ, kế toán hành chính, kế toán tổng hợp để doanh nghiệp nắm rõ.

Nguồn: Internet