Để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, bạn sẽ cần tìm hiểu và lựa chọn loại hình doanh nghiệp, mô hình tổ chức quản lý phù hợp. Tuy nhiên, tùy vào loại hình doanh nghiệp mà bạn sẽ cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Trong bài viết này, đại lý thuế THtax sẽ giới thiệu 5 điều kiện mà bạn (cá nhân hoặc tổ chức) cần thỏa mãn để tiến hành thành lập doanh nghiệp. Rất mong kiến thức và kinh nghiệm của đại lý thuế THtax có thể giúp giải quyết những vướng mắc và vấn đề doanh nghiệp của bạn gặp phải.
1. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp
Cá nhân hay tổ chức muốn thành lập công ty phải thuộc đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014, tất cả tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ các trường hợp sau đây:
• Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
• Cán bộ, công chức, viên chức;
• Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
• Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
• Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
• Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;
• Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định liên quan có thể bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm (khoản 3 Điều 130 Luật Phá sản 2014);
• Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018).
2. Điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh
Theo điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp, điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Số lượng ngành nghề đăng ký cũng không bị hạn chế.
Hiện tại doanh nghiệp đăng ký ngành nghề theo mã ngành cấp 4. Cần chú ý các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư.
Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các bạn có thể tiến hành thành lập doanh nghiệp trước nhưng chỉ được kinh doanh khi đã đủ điều kiện theo quy định.
3. Điều kiện về tên doanh nghiệp dự kiến thành lập
Tên công ty không đơn giản chỉ là cái tên xuất hiện trên các văn bản pháp lý mà còn tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng cho khách hàng, thể hiện được loại hình kinh doanh.
Tên doanh nghiệp không được vi phạm những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
• Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký;
• Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
• Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng các nhu cầu liên quan đến tên như:
• Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
• Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
4. Điều kiện về trụ sở chính của doanh nghiệp
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp. Trụ sở chính phải có địa chỉ xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Trường hợp nơi đặt trụ sở chính chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì làm công văn có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ khi đăng ký kinh doanh.
5. Điều kiện về người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Người này đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chủ sở hữu công ty không đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty thì bạn phải cung cấp thêm thông tin của người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, ngoài việc phải tuân thủ và đáp ứng các điều kiện chung như đã đề cập, đối với từng loại hình doanh nghiệp, chúng ta sẽ cần đáp ứng các điều kiện cụ thể khác. Trong phạm vi bài viết này, đại lý thuế THtax sẽ chỉ đề cập về những yêu cầu chung, để tìm hiểu chi tiết, bạn có thể tìm đọc tại "Thành lập doanh nghiệp - Hướng dẫn chi tiết 2022".
Vừa rồi là thông tin chi tiết về 5 ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TYcông ty mới nhất, hy vọng bài viết đã giải đáp được các thắc mắc của bạn. Nếu còn bất kỳ vấn đề nào về thủ tục cũng như dịch vụ thành lập công ty TNHH hai thành viên, đừng ngần ngại liên hệ Đại lý thuế THtax theo số 0964 544 527 để được giải đáp trong thời gian nhanh nhất.
Phòng pháp lý THtax