Sửa nhiều quy định về thủ tục hải quan đối với bưu kiện hàng hóa

Sửa nhiều quy định về thủ tục hải quan đối với bưu kiện hàng hóa

Sửa nhiều quy định về thủ tục hải quan đối với bưu kiện hàng hóa

Ngày đăng: 17/10/2019

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 56/2019/TT- BTC sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến thủ tục hải quan đối với bưu kiện hàng hóa xuất nhập khẩu gửi qua bưu chính và chuyển phát nhanh quốc tế.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định và Thông tư số 191/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
 

Phân loại nhóm hàng hóa để khai hải quan
 

Thông tư mới đã sửa đổi nhiều nội dung quy định tại Thông tư số 49/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định.
 

Trong đó, về khai hải quan, thông tư nêu rõ việc thực hiện chia nhóm hàng hóa. Cụ thể, đối với gói, kiện hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm 1 phải đáp ứng các điều kiện: là gói, kiện hàng hóa xuất khẩu có trị giá hải quan dưới 5 triệu đồng; được miễn thuế xuất khẩu hoặc chịu thuế xuất khẩu với thuế suất là 0%; không thuộc mặt hàng phải có giấy phép xuất khẩu, kiểm tra chuyên ngành.
 

Nhóm 2 đáp ứng các điều kiện sau: gói, kiện hàng hóa xuất khẩu không thuộc nhóm 1; hoặc là thuộc nhóm 1 nhưng chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền yêu cầu tự thực hiện thủ tục hải quan; gói, kiện hàng hóa có thông tin cảnh báo nội bộ của doanh nghiệp; gói, kiện hàng hóa có nghi ngờ về trị giá hải quan.
 

Tương tự, hàng nhập khẩu cũng phải thực hiện chia theo nhóm. Trong đó, nhóm 1 là gói, kiện hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành. Nhóm 2: Gói, kiện hàng hóa nhập khẩu không thuộc nhóm 1; gói, kiện hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 1 nhưng chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền yêu cầu tự thực hiện thủ tục hải quan; gói, kiện hàng hóa có thông tin cảnh báo nội bộ của doanh nghiệp; gói, kiện hàng hóa có nghi ngờ về trị giá hải quan.
 

Trong trường hợp thiếu các thông tin trên tờ khai CN22, CN23, số hiệu bưu gửi E1QT (theo mẫu của Liên minh Bưu chính Thế giới kèm theo Thông tư này) bản giấy hoặc bản điện tử để chia nhóm hàng hóa và khai báo hải quan, doanh nghiệp thực hiện xem trước gói, kiện hàng hóa tại khu vực có camera giám sát, dưới sự giám sát của công chức hải quan.
 

Trường hợp cơ quan hải quan phát hiện tờ khai hải quan được khai báo theo nhóm gói, kiện hàng hóa không đúng quy định thì thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp lưu giữ gói, kiện hàng hóa chia nhóm không đúng quy định tại khu vực riêng và tiếp tục làm thủ tục hải quan đối với gói, kiện hàng hóa theo nhóm được chia đúng. Cơ quan hải quan kiểm tra thực tế đối với gói, kiện hàng hóa chia nhóm không đúng quy định khi làm thủ tục theo tờ khai hải quan mới.
 

Hàng chuyển cửa khẩu phải chịu sự giám sát, niêm phong
 

Thông tư mới cũng sửa nhiều quy định tại Thông tư số 191/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
 

Trong đó, có sửa quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
 

Cụ thể: Hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh là hàng hóa nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được vận chuyển từ cửa khẩu nhập (nơi hàng hóa đến Việt Nam) đến địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh; hoặc từ địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh này đến địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh khác.
 

 Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu được vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian quy định ghi trong hồ sơ hải quan và chịu sự giám sát hải quan theo phương thức niêm phong hải quan. Trong quá trình vận chuyển, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải đảm bảo nguyên trạng và niêm phong hải quan.
 

Trường hợp bất khả kháng mà không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian hoặc thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa do sự cố bất khả kháng thì doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp quản lý hàng hóa ra vào kho, địa điểm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế, ngăn ngừa tổn thất xảy ra và thông báo ngay với cơ quan hải quan theo số điện thoại đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.
 

Trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận, sau đó thông báo với cơ quan hải quan để xử lý theo quy định.
 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019./.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)